CLOSE

Ngành công nghiệp ca cao Việt Nam: Viên ngọc ẩn giấu tiềm năng lớn

13/04/2024 Ngành ca cao
0
Chia sẻ

Với khí hậu thuận lợi, đất đai màu mỡ và nguồn nhân lực dồi dào, Việt Nam đang dần khẳng định vị thế trên thị trường ca cao toàn cầu. Ngành công nghiệp ca cao Việt Nam ngày càng phát triển và trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Tuy nhiên, để phát huy tối đa tiềm năng của ngành công nghiệp này, cần có sự đầu tư và hỗ trợ mạnh mẽ từ chính phủ cũng như các tổ chức quốc tế.

Trong những năm 1980, Chính phủ Việt Nam đã cố gắng phát triển cây ca cao ở các nông trường quốc doanh. Ảnh: BMI

Ca cao Việt: Lắm nỗi thăng trầm

Cây ca cao được đưa vào Việt Nam từ trước năm 1954 (bởi người Pháp) và người Mỹ (trước năm 1975). Tuy nhiên, do hạn chế về chiến tranh và bất ổn ở các khu vực sản xuất nông nghiệp, ngành công nghiệp mới này đã không thể khai thác tiềm năng thương mại. Trong thời kỳ đó, cây ca cao không mang lại lợi nhuận như cà phê, tiêu, điều nên đa phần bị chặt bỏ.

Trong những năm 1980, Chính phủ Việt Nam đã cố gắng phát triển cây ca cao ở các nông trường quốc doanh. Nỗ lực này đã hình thành các vùng trồng ca cao kéo dài qua nhiều tỉnh từ Quảng Ngãi đến Cần Thơ, với sự tham gia của hàng ngàn nông dân. Chỉ riêng ở Quảng Ngãi, diện tích ca cao đã đạt tới 3.000 ha.

Dù người nông dân đã thành công trong việc trồng ca cao và cho thu hoạch nhưng các doanh nghiệp nhà nước đã thất bại trong việc xây dựng hệ thống tiêu thụ. Do không có các nhà thu mua nội địa cũng như không thể xuất khẩu nên hầu hết nông dân đã chuyển đổi sang cây trồng khác.

Từ giữa năm 1990 đến năm 2000 là giai đoạn nghiên cứu và khảo nghiệm. Hiệp hội Ca cao thế giới (WCF) đã hỗ trợ Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh để thành lập Trung tâm Trình diễn ca cao, tiến hành các khảo nghiệm về giống, năng suất. Trong giai đoạn này còn có sự tham gia của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên, Đại học Cần Thơ, DANIDA và GTZ1.

Từ năm 2001 đến 2012 là giai đoạn phát triển về quy mô. Trong giai đoạn này có rất nhiều dự án tài trợ cho phát triển ca cao ở Việt Nam, như: SUCCESS Alliance được triển khai ở đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên (2004-2007, 2008-2014), dự án PSOM do Chính phủ Hà Lan tài trợ (2004-2006), tổ chức Helvetes của Thụy Sỹ thực hiện tiêu chuẩn UTZ Certified cho sản phẩm ca cao,…

Phối hợp với các tổ chức phi chính phủ và tư nhân, Chính phủ Việt Nam đóng một vai trò quan trọng trong việc chỉ đạo chiến lược phát triển của ngành Công nghiệp ca cao.

Ca cao Việt Nam được đánh giá rất cao về chất lượng. Ảnh: BMI

Tiềm năng và thách thức

Tương lai của ca cao ở Việt Nam nằm trong ba yếu tố chính: Trái cây, nông dân và rừng. Để ca cao Việt Nam bước ra biển lớn, cần có sự hỗ trợ từ các lĩnh vực tư nhân và công, để kích hoạt việc chia sẻ kiến thức ở mọi cấp độ, quốc gia và địa phương.

Ngành ca cao Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ và có tiềm năng lớn. Theo Statista Market Forecast, doanh thu của thị trường ca cao Việt Nam đạt 39,84 triệu đô la Mỹ vào năm 2023 và dự kiến sẽ tăng trưởng hàng năm 4,45% (CAGR 2023-2028).

Để ngành ca cao Việt Nam có thể phát triển bền vững và tiếp cận thị trường toàn cầu, cần có các chương trình thúc đẩy sản xuất ca cao theo hướng bền vững và đảm bảo thu nhập công bằng cho người trồng ca cao. Điều này đòi hỏi không có nạn phá rừng, không sử dụng lao động trẻ em và thu nhập tốt cho nông dân.

Ca cao Việt Nam được đánh giá rất cao về chất lượng. Hương vị của hạt ca cao Việt Nam rất đặc biệt so với các loại ca cao khác, hơi đắng, hơi chua và có vị của trái cây. Khí hậu cũng là một nhân tố quan trọng trong việc tạo ra loại hạt chất lượng, từ đó chế biến nên loại chocolate tuyệt vời.

Dù đã du nhập vào Việt Nam từ lâu nhưng cách đây gần 15 năm, ngành này mới thực sự được tập trung đầu tư và phát triển. Hiện nay, ca cao Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong việc quảng bá hình ảnh ca cao Việt ra quốc tế. Tuy nhiên, để trở thành một nước xuất khẩu ca cao, nông dân trồng ca cao và các thương hiệu chocolate Việt phải đối mặt với nhiều thách thức.

Một trong những thách thức lớn nhất là sự phát triển của các loại sâu bệnh và biến đổi khí hậu. Để giải quyết vấn đề này, các chương trình lai tạo cây ca cao cho khả năng chống chịu bệnh tật và biến đổi khí hậu bền vững là một thách thức quan trọng đối với ngành trồng ca cao.

Thông qua các chương trình hỗ trợ và đào tạo cũng giúp nông dân Việt Nam tiếp cận với những kiến thức khoa học để chăm sóc ca cao tốt hơn. Tổ chức Helvetas đã phát triển một dự án để xây dựng chuỗi giá trị bền vững và hiệu quả cho ca cao được chứng nhận (hữu cơ, UTZ và công bằng) tại Việt Nam. Dự án này đã giúp nông dân địa phương có thể sản xuất phân compost sử dụng nguồn tài nguyên có sẵn và thực hiện quản lý sinh học hiệu quả đối với sâu bệnh.

Ngoài ra, tổ chức này cũng đã tổ chức nhiều khóa đào tạo cho cán bộ địa phương và nông dân, bao gồm đào tạo về tích hợp giới trong sản xuất ca cao hữu cơ, nông nghiệp hữu cơ, UTZ Certified, sản xuất phân compost và quản lý đất bền vững.

Các chương trình hợp tác công – tư cũng có thể giúp củng cố sản xuất ca cao ở Việt Nam. Một dự án do Helvetas triển khai nhằm mục đích nâng cao năng lực của các nhà nghiên cứu ca cao, cán bộ quản lý nhà nước và nông dân trồng ca cao để mở rộng sản xuất ca cao chất lượng cao bền vững ở Việt Nam, cải thiện quyền tiếp cận thị trường quốc tế.

Dự án này đã thành công trong việc thiết lập và vận hành 3 Trung tâm Phát triển Ca cao (CDC), 29 Trung tâm Làng Ca cao (CVC) và 14 trang trại mẫu cho thu hoạch cao với sản lượng 2 tấn hạt khô trên mỗi ha để cung cấp tư vấn kỹ thuật, vật liệu trồng, hỗ trợ nông dân trồng ca cao ở Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long.

Tham khảo: tapchicongthuong.vn

Cảm nhận của bạn

Điền email để theo dõi phản hồi (Email sẽ không được công khai)

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bình luận (0 đánh giá)

    Bài viết liên quan

    Nông trại

    Đắk Nông – vùng đất lý tưởng của ca cao

    Các sản phẩm từ ca cao của Đắk Nông được khách hàng quốc tế đánh giá cao về chất lượng và hương vị. 

    Nông trại

    Trồng ca cao: Cánh cửa mở ra cuộc sống mới cho nông dân

    Ca cao, một loại cây trồng quan trọng ở các quốc gia nhiệt đới, đang mở ra cánh cửa mới cho cuộc sống của nông dân.