Tác giả: Tố Nhi
Việt Nam được đánh giá là một trong những nước sản xuất ca cao có hương vị thơm ngon nhất thế giới. Với nhu cầu ca cao trên thế giới ngày càng tăng, đầu ra cho hạt ca cao Việt Nam rất thuận lợi.
Hiện, có 3 vùng trồng ca cao chính ở nước ta là khu vực Tây Nguyên, Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.
Những vùng nguyên liệu ca cao ngon nhất Việt Nam
Mỗi vùng đất có đặc điểm thổ nhưỡng và cách chế biến quả ca cao sau thu hoạch khác nhau, do đó hạt ca cao của mỗi vùng mang một hương vị độc đáo. Tuy nhiên, ca cao Việt Nam dù trồng ở vùng nào cũng được xếp vào hàng “ngon nhất thế giới”.
Ca cao chủ yếu được trồng xen với các loại cây khác như dừa, điều, cây ăn trái. Ở Đồng bằng sông Cửu Long, ca cao chủ yếu trồng ở các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Hậu Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh và Sóc Trăng. Vùng Tây Nguyên có các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng trồng ca cao. Còn ở vùng Đông Nam bộ, ca cao được trồng tập trung ở các tỉnh Bình Phước, Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu.
Với mạng lưới thu mua rộng khắp tại các vùng trồng ca cao và thị trường sôi động trở lại, ngành sản xuất ca cao Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ.
Trên thị trường hiện nay có ba dòng quả ca cao chính: Forastero, Criollo và Trinitario.
Dòng quả Forastero có hạt dẹt và trái thường có màu vàng. Đây là loại trồng phổ biến nhất và có sức chống chịu sâu bệnh tốt cũng như cho năng suất cao. Tuy nhiên, hạt của dòng này ít mùi vị và được coi là kém chất lượng.
Dòng quả Criollo là dòng rất đặc biệt với phần nhân hạt có màu trắng, hạt tròn lớn và trái thường có màu vàng hoặc đỏ. Hạt của giống này được đánh giá là có hương vị tốt nhất. Tuy nhiên, chúng có khả năng chống sâu bệnh kém và năng suất thấp.
Dòng ca cao Trinitario là dòng lai giữa Criollo và Forastero. Chúng mang đặc điểm của cả hai dòng trên: Sức chống chịu sâu bệnh khá, năng suất trung bình và hạt có hương vị thơm ngon. Dòng này được đánh giá là loại hạt có chất lượng cao và khởi đầu cho việc sản xuất chocolate chất lượng cao.
Thị trường hạt ca cao thế giới phân ra hai loại: loại hạt “hương vị” từ giống cây Criollo hoặc Trinitario và loại hạt “thường” từ giống cây Forastero. Sản lượng hạt ca cao “hương vị” chỉ chiếm chưa đến 10% tổng sản lượng hàng năm trên toàn thế giới. Theo số liệu của Hiệp hội Ca cao Thế giới, sản lượng ca cao hiện nay trên toàn thế giới đạt hơn 4 triệu tấn một năm, trong đó châu Phi (chủ yếu là Bờ Biển Ngà và Ghana) cung cấp hơn 70%, nhưng hạt ca cao từ châu Phi lại chủ yếu là giống Forastero, loại có ít mùi vị nhất.
Ca cao Việt Nam – hương vị hàng đầu thế giới
Giống ca cao được trồng ở Việt Nam là giống lai Trinitario, loại có chất lượng cao nằm trong top 10% loại hạt “hương vị” trên toàn thế giới. Mặc dù hiện tại Việt Nam chỉ chiếm 0,1% sản lượng ca cao trên toàn thế giới nhưng hạt ca cao của Việt Nam lại được đánh giá cao bởi hương vị độc đáo, khác biệt so với loại trồng ở châu Phi.
Tháng 10/2013, tại cuộc thi Salon du Chocolat tổ chức tại Paris, Pháp, hạt ca cao Việt Nam đã được bầu chọn là hạt ca cao tốt nhất Châu Á – Thái Bình Dương. Tổ chức Ca cao Thế giới (ICCO) cũng đã đưa Việt Nam vào danh sách những nước sản xuất ca cao hương vị tốt hàng đầu thế giới.
Hiện nay, hạt ca cao Việt Nam được chế biến thông qua sơ chế lên men hạt với quy trình: Nông dân trồng ca cao – hộ dân thu mua hoặc một số doanh nghiệp tại các địa phương thực hiện.
Dù sản phẩm của ca cao Việt Nam được đánh giá cao nhưng sản lượng đang có xu hướng giảm do giá cả biến động không mấy khả quan, có thời điểm giá xuống rất thấp, trong đó có nguyên nhân nông dân nước ta chủ yếu trồng cây ca cao theo hình thức xen canh với các loại cây ăn quả khác như điều, dừa…
Để góp phần thúc đẩy ngành nông nghiệp Việt Nam với việc trồng ca cao, Công ty BMI đã có nhiều bước đi táo bạo trong việc hợp tác với nông dân tỉnh Đăk Nông trong tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật chăm trồng ca cao, thu mua và chế biến ca cao để cho ra những sản phẩm chất lượng cao nhất, giữ nguyên hương vị trái cây và chua nhẹ rất độc đáo của ca cao Việt – vốn rất khó tìm ở các loại khác. Đây cũng chính là yếu tố có thể giúp ca cao Việt Nam chiếm lĩnh được thị trường ngách trên thế giới.
Cảm nhận của bạn
Điền email để theo dõi phản hồi (Email sẽ không được công khai)
Bình luận (1 đánh giá)